Chủ đề bài viết hôm nay sẽ là về phương pháp học ngữ pháp tiếng Nhật hiệu quả. Sau khi đi hết phương pháp mình sẽ biên soạn bài học sau. Về phần ngữ pháp thì phương pháp cũng không có nhiều, bởi có bản là ta phải học theo giáo trình một cách bình thường và cần có trí nhớ tốt, vậy thôi. Các phương pháp này chỉ mang tính bổ trợ giúp các bạn nhớ lâu, hiểu rõ ngữ pháp, còn lại vẫn phụ thuộc vào mức độ chăm chỉ của mỗi người.
1. Học tổng quát:
Cái này mình có nói qua rồi ở bài tổng quan rồi, giờ chỉ liệt kê để nhắc nhớ cho mọi người. Cách học tiếng Nhật thì như đã nói, hãy nhìn tổng quát xuyên suốt tất cả các bài lí thuyết đã học, các bạn sẽ tìm ra được những điểm chung giữa các cấu trúc ngữ pháp và sự phát triển mẫu câu khi lượng ngữ pháp tăng lên. Ví dụ nhé:
– Mẫu câu V なければなりません (Động từ thể nai, bỏ i cộng thêm kerebanarimasen) mang nghĩa là phải làm gì. Mình đều lấy mẫu rất cơ bản chỉ trong N5 thôi nhé. Mẫu câu này có cách nói thông thường là V なければならない (chỉ chuyển động từ narimasen sang thể thông thường thôi mà), cách nói ngắn hơn nữa là Vなくちゃ
Vậy khi học các mẫu ngắn, nâng cao hơn, mọi người phải nhớ ngay đến mẫu câu nào đã học từ trước mang nghĩa tương tự. Đây chỉ là ví dụ của các mẫu câu mà mình lấy với cùng một ý nghĩa. Còn nếu mở rộng thì như thế nào, các bạn theo dõi nhé:
母 に 花 を もらいました
(haha ni hana o moraimashita)
(Tôi nhận hoa từ mẹ)
Câu mở rộng:
母 に 花 を 買って もらいました
(haha ni hana o katte moraimashita)
(Tôi được mẹ mua hoa cho)
Mình dịch thật sát từ cho các bạn dễ hiểu như trên nhé. Có thể thấy là mẫu câu đầu tiên, chủ ngữ “tôi” được nhận một sự vật là “hoa” từ “mẹ”. Còn mẫu thứ hai, chủ ngữ “tôi” nhận một hành động, tức là “được mua cho”. Như vậy mẫu câu thứ hai đã mở rộng hơn so với mẫu 1, mang nghĩa làm hộ cái gì chứ không đơn thuần là cho tặng sự vật.
Như vậy thì bằng cách nhìn bao quát toàn bộ, các bạn sẽ dễ dàng xếp mẫu nào vào phần lí thuyết nào. Sự sắp xếp có logic sẽ giúp nhớ lí thuyết được đầy đủ và trọn vẹn hơn.
2. Thực hành nhiều:
Để không quên ngữ pháp thì cách duy nhất là thực hành nhiều.
Sau khi học xong ngữ pháp tiếng Nhật, các bạn hãy đọc to nhiều lần các mẫu câu, làm bài tập, nhớ là đọc to nhé, nhẩm trong đầu sẽ tốn thời gian suy nghĩ hơn và không rèn phản xạ nhanh được. Cách thực hành hiệu quả nhất chính là tự nói. Đừng phụ thuộc vào sách vở mà hãy tự nghĩ mẫu câu và nói nhé. Phải thuộc ngữ pháp mới nói thành thạo được, vậy nên khi bạn đã tham gia trôi chảy một đoạn hội thoại bất kì là bạn đã thuộc ngữ pháp rồi đó.
3. Tự tìm tòi:
Đừng nghĩ ngữ pháp là thứ gì quá phức tạp và cứng nhắc. Nó luôn có sự linh hoạt. Vì thế hãy tự tìm những điểm thú vị trong ngữ pháp này, sự thích thú sẽ giúp các bạn nhớ lâu hơn. Trong giáo trình có thể sẽ không đề cập đến, vì vậy các bạn hãy lên mạng tìm thêm tài liệu, những điểm hay ho trong mớ lí thuyết ấy. Chắc chắn các bạn sẽ thấy hứng thú hơn. Ngoài ra, nghe các bài nhạc đơn giản, dịch được một đoạn báo, truyện, lời hát dù ngắn thôi nhưng nó giống như một liều thuốc tăng lực vậy. Mọi người sẽ thấy muốn tìm hiểu ngữ pháp hơn bao giờ hết, bởi cảm giác đọc được hoàn chỉnh một vài dòng chữ Nhật luôn rất tuyệt vời mà!:)
4. Học theo nhóm:
Phương pháp này thì không chỉ ngữ pháp mà trong mọi chủ đề ta đều áp dụng rất hiệu quả. Học theo nhóm giúp các bạn có động lực ganh đua hơn. Không chỉ thế, có người hội thoại giao tiếp mọi người sẽ nhớ lí thuyết rất nhanh đồng thời luyện nói nữa. Việc học tập, tìm tòi từ người khác sẽ giúp chúng ta đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn cho bản thân. Vậy nên nếu có điều kiện hãy học theo nhóm nhé. Hoặc các bạn có thể trao đổi với mình qua cmt hoặc email. Chúng ta cùng nhau nâng cao vốn tiếng Nhật của mình :)
Vậy thôi, phần này không có gì nhiều cả. Quan trọng nhất là mọi người phải có niềm đam mê và thực sự chăm chỉ. Đây là những lưu ý nhỏ mình thấy nên lưu tâm thôi, còn các bạn hãy tự mình tìm ra các phương pháp mới khác để giúp việc học dễ dàng hơn nhé.
Tham gia các khóa học tiếng nhật tại trung tâm tiếng nhật jellyfish Education để được đào tạo tốt nhất
Thân ái!
Nguồn: linhlinhphuong.wordpress.com
No comments:
Post a Comment