Thursday, July 7, 2016

05 sai lầm cần tránh khi học Kanji


Rất nhiều bạn cho rằng Kanji chính là một trong những trở ngại lớn nhất khi học tiếng Nhật. Tuy nhiên, bạn có biết Kanji lại chính là sở trường của một số bạn khác không? Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Học thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng xem 5 sai lầm mà Jellyfish nhận thấy học viên hay mắc phải cũng như cách giải quyết từng sai lầm nhé!
Sai lầm 1: Học Kanji bằng cách học số nét.
Tất nhiên việc học viết đúng theo thứ tự và số các nét là quan trọng nhưng Kanji không phải chỉ có thế và nếu bạn chỉ tập trung đếm có bao nhiêu nét phải học thì Jellyfish tin rằng bạn sẽ sớm bỏ cuộc vì nản. Tại sao ư? Thử tưởng tượng khi học Kanji đơn giản (như chỉ có 3 nét chẳng hạn) thì mọi thứ thật dễ nhưng thử tưởng tưởng khi học Kanji có tận 20 nét thì thật khó đúng không nào? Vì vậy, để học tốt thì điều đầu tiên cần làm là “đả thông tư tưởng” : đừng nghĩ Kanji chỉ là tổng hợp của các nét. Vậy, nên nghĩ Kanji là như thế nào là đúng? Hãy đọc tiếp sai lầm thứ 2 dưới đây nhé!
Sai lầm 2: Không học theo bộ.
Cơ thể con người gồm nhiều bộ phận được gắn kết vô cùng hợp lý. Kanji cũng giống như cơ thể chúng ta vì chúng cũng gồm nhiều bộ được gắn kết một cách rất logic. Các bộ Kanji giống như bảng chữ cái tiếng Việt mà bạn đã được học ở cấp 1. Để đọc viết thì thứ đầu tiên mà bạn phải học chính là bảng chữ cái, bạn không thể viết từ “BẠN” nếu bạn không biết chữ B-A-N được viết thế nào đúng không?
Ví dụ: Nếu chỉ học Kanji (hình dưới) bằng cách viết các nét theo thứ tự thì bạn sẽ phải học theo 8 nét (sai lầm số 1).
Tuy nhiên, hãy nhìn theo các bộ tạo nên nó thì Kanji này tạo ra từ ba bộ dưới đây:
Nếu bạn học theo cách này thì bạn chỉ tốn 3 bước và bạn có thể tiết kiệm vô số thời gian của mình. Vì vậy, khi học Kanji hãy nghĩ xem nó được tạo bởi những bộ nào và tận dụng trí tưởng tượng của mình để ghi nhớ tốt hơn. Nếu chỉ học bằng thứ tự các nét thì bạn sẽ giống như xây nhà mà không làm móng hay giống học đọc tiếng Việt mà không học bảng chữ cái vậy.
Sai lầm 3:Viết càng nhiều càng tốt
Viết để nhớ là một phần quan trọng trong quá trình học nhưng bạn có biết rằng não chúng ta chỉ có trí nhớ ngắn hạn. Bạn ngồi xuống bàn với quyết tâm phải học 20 Kanji và bạn bắt đầu viết đi viết lại (tất nhiên là tập trung vào số nét) nhưng não bạn trong thời gian đó đã phải tiếp nhận vô số thông tin và khả năng cao là bạn sẽ quên hoặc may mắn hơn là không chắc chắn mình viết đúng không. Vậy làm sao giờ?
B1: Hãy học theo bộ (như đã giải thích ở sai lầm thứ 2) và để dễ nhớ thì hãy dùng trí tưởng tưởng của mình để tạo ra hình ảnh hay câu chuyện giúp bạn dễ nhớ hơn.
B2: Viết không quá một Kanji 3 lần trên một hàng.
Ví dụ: bạn có 5 Kanji A,B,C, D,E phải học thì đừng viết Kanji A hết cả một trang giấy rồi chuyển sang học B. Nếu bạn chỉ tập viết A thì chỉ sau vài lần là bạn nghĩ mình đã thuộc A , sau đó bạn chuyển sang viết B và có cảm giác cũng đã thuộc. Cứ tiếp tục vậy nhưng hôm sau bạn lại chẳng nhớ gì cả. Vì sao? Do bạn lặp lại nhiều lần nên não đánh lừa là đã nhớ (thực chất nó chỉ nhớ và lưu giữ ngắn hạn do quán tính mà thôi). Để giải quyết điều này, bạn hãy viết theo thứ tự A, A, A, B, B, B, A, B, C, C, C, A, B, C, D, D, D, A, B, C, D, E, E, E…Đây không phải thứ tự bắt buộc mà bạn có thể thay đổi tùy ý. Mục đích của việc này là bắt não suy nghĩ và “thực sự học” chứ không phải chỉ lặp lại theo quán tính (vì bạn lặp lại quá nhiều lần)
Sai lầm 4: Nhìn mặt bắt hình dong
Bạn nhìn vào Kanji đơn giản chỉ có 3 nét và bạn nghĩ “dễ quá, mình học cái này trước” nhưng bạn nhầm rồi. Bạn chỉ đang nhìn về cách viết mà quên nghĩ về nghĩa của nó. Một số Kanji có cách viết vô cùng đơn giản nhưng nghĩa lại chẳng đơn giản chút nào. Vì vậy, hãy đảm bảo là bạn học cách viết lẫn nghĩa của nó nhé!
Sai lầm 5: Chỉ tập trung vào đọc hoặc viết
Không ai phủ nhận được tầm quan trọng của đọc hoặc viết khi học Kanji nói riêng và tiếng Nhật nói chung. Nhưng việc chỉ tập trung vào một trong 2 phần này sẽ không khiến bạn tiến bộ. Jellyfish đã chứng kiến rất nhiều bạn có tâm lý ngại luyện viết mà chỉ dùng bộ gõ tiếng Nhật (trên các thiết bị điện tử) và kết quả các bạn không nhớ nổi Kanji.
Việc học bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng không hề dễ dàng và đặc biệt là khi bạn học một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Nó sẽ tốn vô số thời gian và công sức của bạn nhưng đừng nghĩ đến khó khăn mà hãy nghĩ đến “quả ngọt” khi bạn có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của người đối diện vì chẳng phải Nelson Mandela đã từng có câu: “Nếu bạn nói chuyện với một người bằng ngôn ngữ người đó hiểu, điều đó sẽ được khắc ghi trong đầu họ. Nếu bạn nói bằng ngôn ngữ của họ, điều đó sẽ khắc sâu vào tim”.
Nguồn: loptiengnhat.edu.vn

No comments:

Post a Comment